Vấn đề liên quan Hoàng_hậu

Biệt xưng

Ấn Hoàng hậu chi tỉ (皇后之玺) thời nhà Hán, được suy đoán là ấn tỉ của Lữ hậu - vị Hoàng hậu đầu tiên trong thế giới đồng văn Đông Á.

Trong văn thứ các quốc gia đồng văn dùng chữ Hán, có rất nhiều những tên gọi ám chỉ danh vị Hoàng hậu cùng Hoàng thái hậu, do muốn câu văn được uyển chuyển hơn - một yêu cầu của văn thư. Do đó, trong lịch sử cổ điển Hoa Hạ sinh ra rất nhiều biệt xưng nhằm ám chỉ trong câu văn.

  • Tiêu phòng (椒房): thời nhà Hán, tẩm cung của Hoàng hậu dùng ớt bột mà quét vách tường, ý là sưởi ấm tránh ma quỷ, cũng có hàm ý "Nhiều con", hi vọng Trung cung sinh ra Đích tử. Bởi vậy từ "Tiêu Phòng" thường hay dùng để gọi kiêng nể ám chỉ Hoàng hậu, thậm chí nhà Hán còn lấy tên Tiêu Phòng làm Trung cung điện dành cho Hoàng hậu, chính là Tiêu Phòng điện (椒房殿), ngụ tại Vị Ương cung.
  • Trường Thu (長秋), Khôn Ninh (坤寧): dạng từ ám chỉ tương tự Tiêu Phòng. Trường Thu là tên chính điện của Hoàng hậu triều Đông Hán, còn Khôn Ninh là chính vị của Hoàng hậu thời nhà Minh và nhà Thanh[1].
  • Trung cung (中宮): cũng gọi Chính cung (正宮), nguyên là vì tẩm cung của Hoàng hậu thời cổ thường là nằm ở giữa hậu cung, bởi vậy từ đó trở thành từ dùng ám chỉ Hoàng hậu[2].
  • Thiên hạ mẫu (天下母), Thiên địa mẫu (天地母): những cụm từ thần thánh hóa vị trí Hoàng hậu.
  • Nguyên hậu (元后): cũng gọi Nguyên đích (元嫡), là danh từ dùng để gọi Hoàng hậu là nguyên phối, người vợ chính thức đầu tiên của Hoàng đế. Trong quan niệm triều đình Đông Á, chỉ có nguyên phối Hoàng hậu mới đủ tư cách phối thờ song song với Hoàng đế. Dùng để phân biệt với Kế hậu (繼后).
  • Khôn cực (坤極), Khôn vị (坤位): biệt xưng vị trí Trung cung. Vì Hoàng hậu lĩnh đầu nữ giới, biểu thị của quẻ Khôn, đối ứng với Hoàng đế là quẻ Càn.
  • Thánh nhân (聖人): biệt xưng dành cho Hoàng hậu thời nhà Tống[3][4].
  • Quốc mẫu (國母): biệt xưng dành cho Hoàng hậu, Hoàng thái hậu. Ý là ["Toàn quốc chi mẫu"; 全國之母][5][6].
  • Tiểu quân (小君), Tử đồng (梓童): các khiêm xưng của Hoàng hậu, Hoàng thái hậu, hoặc Hoàng đế đối với Hoàng hậu mà gọi. Cách gọi này là ảnh hưởng từ cách gọi ["Quân phu nhân"; 君夫人] dành cho các chính thất phu nhân của chư hầu thời nhà Chu[7][8].
  • Hoàng tỷ (皇妣): chỉ dùng trong tế văn của các Hoàng hậu và Hoàng thái hậu. Chữ [妣] có nghĩa là "Người mẹ đã mất", chỉ dùng cho Hoàng hậu hoặc Hoàng thái hậu là đích mẫu và sinh mẫu, và phải có quan hệ huyết thống chính pháp. Nếu là Hoàng đế nhập Tự (dòng thứ kế thừa và nhận Tiền nhiệm Hoàng đế làm cha), thì không thể dùng chữ này để gọi mẹ ruột. Tương tự cha ruột của họ cũng không thể dùng chữ [Khảo; 考].

Sách lập

Hoàng hậu là danh vị cao quý, do Hoàng đế lập nên, gọi là Sách lập (册立).

Đây là một sự kiện tối cao và trọng đại của một quốc gia Đông Á. Muốn sách lập Hoàng hậu, phải bày đại lễ, chiếu cáo thiên hạ, khắp chốn mừng vui, đồng thời còn có nghi thức long trọng hạng nhất chính thức lập Hậu. Ngoài lấy Chiếu thư (诏书) ban cáo thiên hạ, còn phải có Kim sách (金册) lẫn Ấn chương (印章) làm tín vật, khi ấy mới chính thức hóa vị trí Hoàng hậu của người được sách lập.

Nếu Hoàng đế trước khi đăng cơ đã có chính thất, thì thông thường đều trực tiếp phong chính thất làm Hoàng hậu. Một số trường hợp quá cá biệt, đa phần do gia thế của chính thất kèm theo tình hình chính trị, mà chính thất chỉ là phi tần, sau mới được lập Hậu, như Cung Ai hoàng hậu Hứa Bình Quân của Hán Tuyên Đế, Quang Liệt hoàng hậu Âm Lệ Hoa của Hán Quang Vũ Đế hay Chính phu nhân Chân Lạc của Tào Ngụy Văn Đế.

Định số

Trung Quốc lịch đại Hoàng đế, coi Càn-Khôn là một đôi, cho nên Hoàng đế chỉ thường có một Hoàng hậu.

Nhưng thực tế trong lịch sử Trung Quốc, có một số triều đại do người Hồ lập nên, mô phỏng chính quyền Trung Hoa nhưng lại phá vỡ quy tắc một vợ một chồng trên danh nghĩa, do đó thường có một lúc mấy vị Hoàng hậu. Tiêu biểu là Hán Triệu Chiêu Vũ Đế Lưu Thông, một đời có 9 vị Hoàng hậu, mà trong một khoảng thời gian cùng tồn tại hơn một Hoàng hậu. Còn có Bắc Chu Tuyên Đế Vũ Văn Uân, trước sau lập 5 vị Hoàng hậu, cùng một thời gian có tới 5 Hoàng hậu tại vị. Mặt khác, nhà Nguyên về sau cũng theo đó, lập một lúc nhiều Hoàng hậu, duy chỉ có Chính thất Hoàng hậu là có lễ thứ khác biệt.

Các Hoàng đế Việt Nam vào thời gian đầu đều lập nhiều Hoàng hậu cùng lúc. Như Đinh Tiên Hoàng lập 5 Hoàng hậu; Lê Đại Hành lập 5 Hoàng hậu, Lê Long Đĩnh lập 4 Hoàng hậu. Không dừng lại ở đó, về sau Lý Thái Tổ lập 9 Hoàng hậu, Lý Thái Tông lập 8 Hoàng hậu, Lý Thánh Tông cũng lập 8 Hoàng hậu, Lý Nhân Tông trước lập 2 Hoàng hậu, sau lập thêm 3 người nữa, Lý Thần Tông lập 3 Hoàng hậu,...đến đời Lý Anh Tông, Lý Cao TôngLý Huệ Tông mới không thấy như vậy nữa.

Sử gia Lê Văn Hưu nói về việc này:

天地並其覆載日月並其照臨故能生城萬物發育庶類亦猶皇后配儷宸極故能表率宫中化成天下自古秪立一人以主内治而已未聞有五其名者先皇無稽古學而當時帬臣又無匡正之者𦤶使溺私並立五后下至黎李二家亦多效而行之由先皇始唱其亂階也

.

Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như Hoàng hậu sánh với ngôi Hoàng đế, cho nên mới có thể đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ.

Từ xưa chỉ lập (Hoàng hậu) một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 Hoàng hậụ Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy.

— Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ nhà Đinh, Tiên Hoàng Đế[9]

Tôn phong

Theo lẽ bình thường, một Hoàng hậu tại vị không có huy hiệu nào. Khi Hoàng đế nhường ngôi về làm Thái thượng hoàng thì Hoàng hậu được gọi là Thái thượng hoàng hậu. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định thì Hoàng hậu vẫn là Hoàng thái hậu như bình thường.

Khi Hoàng đế băng hà, thì thường có ba trường hợp chính xảy ra:

  1. Hoàng hậu là Đế mẫu: tức là Hoàng hậu vốn là sinh mẫu của Hoàng đế kế nhiệm. Lúc này sẽ trở thành Hoàng thái hậu.
  2. Hoàng hậu là Đích mẫu: tức là Hoàng hậu là chính thất của Tiên đế, Hoàng đế kế nhiệm có sinh mẫu là phi tần. Lúc này, Hoàng hậu sẽ trở thành Hoàng thái hậu, còn sinh mẫu của Hoàng đế sẽ trở thành Hoàng thái phi. Về sau thời nhà Minhnhà Thanh lại tôn cả Đích mẫu và Đế mẫu làm Hoàng thái hậu, nhưng có phân biệt nhất định.
  3. Truy tôn: có khá nhiều sinh mẫu của Hoàng đế vốn không phải Hoàng hậu từ trước. Vào lúc này, Hoàng đế có thể truy tôn sinh mẫu của mình làm Hoàng hậu (hoặc Hoàng thái hậu), với điều kiện là vị Hoàng thái hậu chính danh đã qua đời.

Còn một trường hợp nữa, là Hoàng hậu có bối phận chênh lệch. Điều này tức là vị Hoàng đế kế nhiệm ở vai anh em trai hoặc chú bác đối với Hoàng đế vừa băng hà. Lúc này, Hoàng hậu sẽ có huy hiệu riêng, để phân biệt với Hoàng hậu của Hoàng đế kế nhiệm. Trường hợp đầu tiên xảy ra đối với Hiếu Huệ Trương hoàng hậu, Hoàng hậu của Hán Huệ Đế, vì lúc đó Hán Văn Đế là em của Hán Huệ Đế, Trương hoàng hậu vẫn là "Hiếu Huệ hoàng hậu" mà không dâng tôn làm Hoàng thái hậu. Về sau, Tống Thái Tông lấy niên hiệu Khai Bảo của Tống Thái Tổ để dâng cho Hoàng hậu Tống thị, tức là Khai Bảo hoàng hậu. Cuối cùng, nhà Minh tạo ra cách thức hoàn thiện cho trường hợp này, khi đó Hoàng đế kế nhiệm sẽ chọn 2 chữ huy hiệu dâng cho Hoàng hậu ấy, đó chính là trường hợp của Ý An hoàng hậu.

Trong lịch sử Việt Nam có một số trường hợp đặc biệt thời nhà Nguyễn. Do tính chất lịch sử của triều đại nhà Nguyễn, khi hoàng tử được truyền vị lên ngôi, thì sẽ có các trường hợp:

  1. Khi không có Hoàng quý phi hoặc Hoàng hậu: sinh mẫu được tôn là Hoàng thái hậu, và khi qua đời có thụy hiệu là Hoàng hậu. Như Thuận Thiên Cao Hoàng hậu thời Minh Mạng, Nghi Thiên Chương Hoàng hậu thời Tự Đức, Từ Minh Huệ hoàng hậu thời Thành Thái.
  2. Khi có Hoàng quý phi: Hoàng quý phi sẽ là Hoàng thái hậu, sinh mẫu sẽ là Hoàng thái phi. Đây là trường hợp của Phụ Thiên Thuần Hoàng hậuHựu Thiên Thuần Hoàng hậu thời Khải Định.
  3. Khiêm Hoàng hậu: vào lúc này, Lệ Thiên Anh hoàng hậu vào vai hàng chị dâu của vị Hoàng đế khi ấy là Hiệp Hòa. Mà di chiếu của Tự Đức Đế yêu cầu tấn tôn huy hiệu cho bà làm Hoàng hậu. Để ổn thỏa, Hiệp Hòa cuối cùng lấy tên Ôn Khiêm đường nơi bà ở làm huy hiệu, chính là gọi Khiêm Hoàng hậu.
  4. Truy phong: khi Minh Mạng Đế băng hà, không có Hoàng hậu, người kế vị là Thiệu Trị Đế liền truy tôn sinh mẫu là Thuận Đức Thần phi làm Hoàng hậu, tức Tá Thiên Nhân hoàng hậu.
  5. Trường hợp khác: Một số dưỡng mẫu, như Học phi Nguyễn thị nuôi dưỡng Kiến Phúc Đế, hoặc sinh mẫu mà không phải chính vị như Đoan tần Trương Thị Hận, mẹ của Hiệp Hòa, sẽ nhận danh vị Hoàng thái phi.

Phế hậu và tái hôn

Một Hoàng hậu cũng có thể bị phế bỏ, tước đi hoàng vị trở thành thứ nhân, khi đó gọi là Phế hậu (廢后).

Trong lịch sử có rất nhiều Hoàng hậu bị phế. Cũng bởi vì nguyên nhân nào đó, phần lớn là Hoàng đế đối với Hoàng hậu cảm tình dần đạm bạc, Hoàng hậu không sinh được Đích tử, gia đình hay bản thân Hoàng hậu phạm lỗi đều khiến Hoàng đế có lý do phế truất, phần nhiều là sẽ lập người khác được sủng ái thay thế.

Sau khi bị phế truất, Hoàng hậu thường bị gán danh hiệu thấp hoặc đặc biệt, bị giam lỏng trong tẩm cung hoặc một cung điện biệt lập nào đó, hoặc bị cưỡng chế xuất gia. Trên thực tế, hầu hết các Hoàng hậu bị phế truất không thể rời khỏi cung, mà đều bị giam lỏng hoặc là ban cho pháp hiệu đồng thời bị ép tu hành. Cá biệt có một số bị ban chết, nhưng phải là do phạm đại tội.

Thông thường Phế hậu không thể tự do kết hôn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp vì lý do chính trị đặc biệt, cũng có trường hợp Hoàng hậu tái hôn với các Hoàng đế của triều đại mới lập nên. Thời Đông Tấn, Dương Hiến Dung là Hoàng hậu của Tấn Huệ Đế, sau lại trở thành Hoàng hậu của Tiền Triệu Mạt Đế Lưu Diệu. Ở Việt Nam, Lý Chiêu Hoàng là trường hợp đặc biệt này, bà bị Trần Thái Tông phế truất vì không thể sinh được Đích tử, sau bị ban tái hôn cho một tùy tướng tên Lê Phụ Trần.